Sinh ra vào những năm đầu công nguyên tại huyện Đông Sơn, Thanh Hóa, Nguyễn Tam Trinh nổi tiếng khắp làng với thể hình to lớn, sức khỏe hơn người mà còn có đam mê võ thuật. Ngay từ khi con nhỏ, Tam Chinh cố gắng học tập và rèn luyện võ thuật để có thể phụng sự đất nước sau này.
Sau khi thành tài ở lò vật, với vốn chữ nghĩa của mình, Nguyễn Tam Trinh đã du ngoại ra Bắc để có thể ngắm nhìn sơn thủy. Cuối cùng, ông dừng chân tại hương Cổ Mai (trong đó có làng Mai Động ngày nay). Nơi đây cảnh đẹp, người dân hiền lành chân chất nhưng lại nghèo vì không có nghề gì ngoài cày cấy.
Nhìn thấy cảnh người dân khổ sở vậy ông cảm thấy không yên lòng. Ông đã dựng nhà bên sông Kim Ngưu rồi mở trường dạy văn dạy võ không công cho người dân địa phương. Thanh niên theo ông học rất đông. Không chỉ dạy văn và võ, ông còn dạy cho người dân cách làm đậu phụ, giúp cho cuộc sống họ đỡ cơ cực hơn. Ông được bầu làm Châu trưởng.
Mùa xuân năm 40, Nhị vua Hai Bà Trưng truyền hịch kêu gọi mọi người đứng lên bảo vệ đất nước trước giặc Tô Địch tàn ác. Nguyễn Tam Trinh liền chiêu mộ được 3000 dân binh, trong đó rất nhiều binh sĩ là học trò của ông thẳng tiến ra Hát Môn ra mắt Nhị Vương Bà.
Bà Trưng Trắc phong ông chức Đô úy cầm quân tiến đánh Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh), Đội dân binh cùng ông chiến đấu dũng cảm, phối hợp với các cánh quân khác hạ được thành. Khi Hai Bà lên ngôi vua, ông được phong tước hầu và giữ chức Phụ chính đại thần.
Năm 42, vua Đông Hán sai Mã Viện kéo đại quân sang đánh, mùa hè năm 43 đã đến Cổ Loa. Trước thế giặc mạnh, quân của Đô úy Tam Trinh lui về Mai Động đào hào đắp lũy chống giặc. Không lâu sau khi Hai Bà Trưng tuẫn tiết ở Hát Môn, quân Đô úy Tam Trinh sau nhiều trận đánh quyết liệt cũng binh cùng lực kiệt. Danh tướng Tam Trinh ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Than ôi ! Cơ đồ vua Trưng đã mất, nên bầy tôi cũng chỉ có về trời !“.
Nói xong, ông bèn cưỡi ngựa lên núi mà mất. Theo thần tích ở Mai Động, ông chiến đấu vô cùng dũng cảm và hy sinh ngày 10 tháng 2 năm Quý Mão (43).
Vô cùng thương tiếc ông, người Mai Động đã dựng đền thờ và tôn ông lên làm Thành hoàng làng và là tổ sư của nghề vật.
Theo nhiều thông tin truyền khẩu thì Nghè, Đình Mai Động được xây dựng vào thế kỉ 15-17. Di tích hiện bảo tồn nhiều hiện vật niên đại thế kỉ 17 như tấm bia Triệu Mai Đình khắc năm thứ 20 niên hiệu Chính Hòa (1699), bia hậu thần bi kí dựng năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Thịnh (1719). Nghè, Đình Mai Động được xây dựng ở cạnh nhau. Tương truyền nền đình trước kia là nơi học trò của ông tập luyện võ nghệ, nghè là nơi ở của ông sau khi đánh đuổi thái thú Tô Định.
Tam quan ngoài đình Mai Động
Sau này các lò vật tôn vinh ngài là tổ nghề. Vua Lê Đại Hành (941—1005) đã sắc phong ngài là Nam Sơn Tam Trinh Đại vương. Đến thế kỷ 17 làng Mai Động dựng đình thờ ngài làm thành hoàng làng. Năm 1980, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình và Nghè, Đình Mai Động là Di tích lịch sử kiến trúc quốc gia, lại cấp một phần kinh phí để bảo tồn và tôn tạo.
Năm 1990, con đường lớn nằm dọc sông Kim Ngưu đã được UBND TP Hà Nội đặt tên là phố Tam Trinh. Để tưởng nhớ những công lao người anh hùng Nguyễn Tam Trinh
Theo sử sách ghi chép lại thì nghè Mai Động là nơi Tam Trinh từng ngự, phía trước có giếng Ngọc để ngài cùng quân sĩ tắm mát. Nghè được dựng lại vào năm Duy Tân thứ 10 (1916) với tiền tế 5 gian và hậu cung 2 gian, quay hướng tây-bắc, bố cục hình “chữ Tam”.
Nghè, Đình Mai Động quay hướng đông nam, ngoài có cổng, sân rồi đến tòa đại đình 5 gian, ông muống 6 gian nối đại đình với hậu cung. Song song với ống muống còn có hai dãy tả, hữu vu làm nơi đặt bia và hội họp.
Cạnh nghè là chùa Mai Động, tên chữ Thiện Khánh Tự, mới được trùng tu khang trang với qui mô khá bề thế. Trong chùa hiện lưu được tấm bia niên hiệu Vĩnh Trị thứ 5 (1680) cho biết lịch sử vùng đất Mai Động và quá trình trùng tu lại chùa Thiện Khánh cũng gắn với công tích của quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh. Trong chùa còn có pho tượng của bà và của người em là Trịnh Thị Ngọc Nhị, ngoài ra cũng xây thêm Điện Mẫu.
Đình Mai Động tọa lạc cách chùa làng chừng 200m, quay về hướng đông-nam và xây lớn hơn nghè. Nghi môn gồm 4 trụ biểu nhìn ra một gốc đa to và hồ nhỏ hình chữ nhật, ngoài cổng có tượng đôi voi chầu, mới thay cho sư tử đá.
Toà tiền tế rộng 5 gian, cửa bức bàn, thềm cao 5 bậc, đầu hàng hiên có tượng hai vị Hộ pháp đối diện nhau. Tiếp theo là thiêu hương 6 gian nối với hậu cung. Hai bên sân có nhà tả, hữu mạc 3 gian, cũng cửa bức bàn.
Tương truyền nền đình là nơi luyện võ của các học trò Tam Trinh. Do quá trình đô thị hoá, đình nay bị vây sát bởi nhiều nhà dân.
Trong đình hiện có bộ kiệu long ngai còn khá nguyên vẹn và đẹp đẽ, mang niên đại khoảng thế kỷ 18. Đặc biệt có 5 tấm bia đá chép về làng cổ Mai Động và tên những người có công đóng góp xây dựng, tôn tạo ngôi đình.
Tấm bia Triệu Mai Đình dựng năm Chính Hoà thứ 20 (1699) cho biết khá đầy đủ lịch sử lâu đời của vùng đất này, theo đó vào thời Lê trung hưng, ngôi đình được quận chúa Trịnh Thị Ngọc Sanh, hiệu Diệu Kính, quê ốc Biện Thượng, xã Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, xứ Thanh Hoá cho xây dựng. Ngoài ra còn giữ được 28 đạo sắc phong từ đời Vĩnh Tộ (1622) cho đến các đời vua của nhà Nguyễn.
Có một đôi câu đối ở đình ghi:
“Đức bác thánh văn truyền Việt địa
Uy dương thần vũ chấn Nam thiên”
Tạm dịch:
“Văn thánh đức cao truyền đất Việt
Võ thần oai mạnh động trời Nam”
Hội vật Mai Động
Hội làng Mai Động được tổ chức hàng năm tại sân đình vào ngày 4, 5, 6 tháng Giêng âm lịch, cạnh đó có mở sới vật với khoảng một trăm đô từ các nơi về dự. Trước kia, sau lễ rước kiệu và tế cáo yết thành hoàng thì các cuộc đấu bắt đầu diễn ra trên gò Đống Vật. Từ khi làng đô thị hóa, phần lớn người xem không thể vào sân mà phải đứng ngoài ngõ nghe tường thuật qua loa phóng thanh.